7 bước chuẩn bị cho việc xây dựng một ngôi nhà
Quá trình xây dựng một ngôi nhà mới bắt đầu từ rất lâu trước khi đổ móng. Quá trình xây dựng sẽ hiệu quả và thú vị nhất nếu trước tiên bạn phát triển một kế hoạch tốt cho mình. Để tránh những sai lầm tốn kém trong quá trình xây dựng, hãy bắt đầu với 7 bước quan trọng sau. Đừng quên rằng trước khi tiến hành biến ngôi nhà mơ ước thành hiện thực, bạn nên đặt câu hỏi và chia sẻ dự định của bạn với những người đã có kinh nghiệm nhé.
1. Xác định nhu cầu của bạn là gì
Trước khi xây nhà điều đầu tiên bạn cần biết đó là nhu cầu của bản thân mình. Bạn cần diện tích của ngôi nhà như thế nào? Bạn có bao nhiêu thành viên trong gia đình? Bạn cần bao nhiêu phòng ngủ, phòng khách và phòng vệ sinh? Bạn sẽ ở trong ngôi nhà này bao nhiêu năm? Phong cách thiết kế của ngôi nhà bạn cần là gì? Hiện nay, có rất nhiều phong cách thiết kế để bạn lựa chọn như phong cách hiện đại, phong cách cổ điển, phong cách vintage…
Một khi bạn biết nhu cầu của mình, bạn sẽ từ từ thu thập thông tin và những thứ cần thiết khác từ một ngôi nhà mẫu, tạp chí nhà, internet hoặc khảo sát ở địa điểm mà bạn thích. Sau đó, dần thu thập nó như một bản tóm tắt để nhà thiết kế có thể thiết kế ngôi nhà mơ ước đáp ứng được đúng nhu cầu của bạn nhất.
2. Lập kế hoạch ngân sách
Hãy bắt đầu xem xét ngân sách ngay từ khi bạn bắt đầu nghĩ đến việc xây dựng ngôi nhà của mình. Giai đoạn lập ngân sách là sự cân bằng giữa mong muốn của bạn và thực tế những gì bạn có thể chi trả để xây dựng một ngôi nhà mới.
Khi tạo ngân sách, bạn cần xem xét các yếu tố khác nhau để có thể có được một bức tranh khá chính xác về chi phí của ngôi nhà. Đây là một quá trình phức tạp, tốn nhiều thời gian và thực sự nên bắt đầu nhiều tháng trước khi bắt đầu xây dựng. Không có gì lạ khi bạn phải mất tới hai năm để nghiên cứu kỹ lưỡng các vấn đề này.
Ngân sách xây nhà cần chuẩn bị nên được chia thành 3 phần chính như sau:
Kinh phí cải tạo đất đai: nếu đất đai không bằng phẳng hoặc tương đối thấp có thể có nguy cơ bị ngập lụt, chúng ta cần cải tạo đất đai trước khi xây nhà. Phần cải tạo đất nên đắp cao hơn đường bê tông hoặc đường nhựa trước nhà khoảng 50 cm. Nhưng nếu trước nhà bạn không có đường bê tông hoặc đường trải nhựa, có thể tăng chiều cao của mặt đất lên 1 mét để hỗ trợ chiều cao của con đường sẽ tăng lên trong tương lai. Việc cải tạo này nên tiến hành vào lúc nắng hạn, tránh mùa mưa vì sẽ làm cho công việc lấp đất đai trở nên khó khăn và khó nén đất.
Ngân sách xây nhà: Đặt ngân sách cho việc xây nhà sẽ giúp bạn lập kế hoạch dễ dàng hơn. Chúng ta sẽ xây dựng kiểu nhà nào? Ngôi nhà cần bao nhiêu không gian? Có thể xây bao nhiêu tầng? Bạn cần loại hệ thống trong nhà nào? Bao gồm vật liệu xây dựng và nhân công cần thiết, phí tiện ích và giấy phép, đất đai, kiến trúc sư hoặc nhà thiết kế, tổng thầu sẽ quản lý dự án, vật liệu xây dựng, cảnh quan, thiết bị gia dụng…. Điều này là để làm cho chi phí phù hợp với nhu cầu của chúng ta.
Ngân sách cho nội thất: Ngoài chi phí xây nhà, một thứ nữa cần chuẩn bị là phí trang trí nội thất như bàn ghế, bếp, vòi sen, tủ lạnh, hút mùi, điều hòa, bồn cầu… Kinh phí này là bao nhiêu tùy thuộc vào phong cách sống, sở thích của mỗi người về cách chọn vật liệu, công năng, màu sắc.
Ngoài ra, rất có thể bạn sẽ cần một khoản vay xây dựng và một khoản thế chấp. Bạn cần biết điều kiện cho một khoản vay lớn như thế nào, dựa trên thu nhập và các nghĩa vụ tài chính khác của bạn. Ngày nay, hầu hết các ngân hàng và các tổ chức tài chính đều cung cấp các khoản vay xây dựng, điều này sẽ cho bạn ý tưởng về số tiền tối đa mà bạn có thể chi tiêu.
3. Lập kế hoạch chi phí vượt mức
Ở phần này có một khái niệm nữa mà chúng ta cần biết là “Chi phí ẩn của việc xây dựng một ngôi nhà mới”. Những chủ nhà lần đầu thường giật mình khi họ bắt đầu nhận ra những chi phí tiềm ẩn của việc xây nhà. Đừng quên dự phòng ít nhất 10% cho các chi phí bất ngờ để không phải tạm dừng việc xây dựng ngôi nhà của mình do không lường trước được chi phí. Hầu như tất cả các công việc xây dựng đều tốn kém hơn so với kế hoạch ban đầu. Điều này thường xảy ra do chi phí vật liệu xây dựng thay đổi hoặc do những thay đổi mà bạn yêu cầu trong giai đoạn thiết kế và xây dựng. Do đó cần đảm bảo rằng bạn xây dựng hạng mục này để những khoản vượt mức chi tiêu sẽ không phá vỡ ngân sách.
4. Thời gian xây dựng
Cũng như ngân sách tiền bạc, chúng ta cũng cần kế hoạch cho mình dự toán thời gian xây dựng. Ban đầu các nhà thầu luôn đưa ra một mốc thời gian chặt chẽ và lạc quan. Nhưng thực tế đã chứng minh đấy luôn là lịch trình khó khăn để thực hiện. Thời tiết xấu, các vấn đề về xây dựng sẽ luôn làm cho tiến trình vượt quá tầm kiểm soát của chúng ta. Do đó khi nói đến những điều cần biết khi xây nhà, việc ước lượng thời gian một cách chính xác có chuẩn bị sẽ giúp chúng ta bám sát được tiến độ và không ảnh hưởng nhiều đến những bước kế hoạch phía sau.
5. Chọn lô đất xây nhà
Hãy tham khảo nhiều nguồn như môi giới, người quen, internet… để có được ước tính sơ bộ về chi phí đất đai ở những khu vực bạn đang xem xét. Cho dù bạn đang xây dựng ngôi nhà của mình ở một khu phát triển ngoại ô hay trung tâm, cần chọn khu đất trước khi chọn sơ đồ tầng hoặc các chi tiết khác. Bạn sẽ cần điều tra các yếu tố như tình trạng đất đai, hệ thống thoát nước, phân vùng và quy chuẩn xây dựng trong khu vực. Chi phí sẽ cao hơn nếu thiết kế ngôi nhà của bạn cần được tùy chỉnh để phù hợp với lô đất.
6. Chọn sơ đồ thiết kế nhà
Quan trọng nhất trước khi thiết kế đừng quên thông báo với kiến trúc sư về kinh phí sẽ sử dụng để xây nhà để cân đối với ngân sách mà bạn đề ra. Một nhà thiết kế nhà cũng có thể thực hiện các sửa đổi nhỏ đối với các sơ đồ về diện tích phòng, kiểu cửa sổ hoặc các chi tiết khác. Kiến trúc sư/ nhà xây dựng đóng vai trò quan trọng vì họ sẽ giúp bạn tinh chỉnh tầm nhìn của mình thành một bản thiết kế khả thi. Họ sẽ giám sát việc xây dựng ngôi nhà, và sẽ xử lý phân tích chi phí và giải quyết bất kỳ vấn đề hợp đồng phụ nào có thể phát sinh.
Ngoài ra, hầu hết mọi người chỉ tập trung vào một ngôi nhà hoặc một căn phòng bắt mắt với màu sắc thẩm mỹ và những trang thiết bị nội thất tinh xảo, hiện đại. Nhưng ít ai lưu ý đến và thích thú khi lên kế hoạch cho không gian lưu trữ cho căn nhà. Phần lớn các chủ nhà sẽ nói rằng họ muốn có nhiều không gian lưu trữ hơn trong không gian sống của mình, trừ khi bạn là một người cuồng chủ nghĩa tối giản. Lập kế hoạch các không gian lưu trữ không phải là phần thú vị nhưng nó có ảnh hưởng rất lớn đến lối sống và tổ chức của bạn sau này. Hãy ghi nhớ nó trong tâm trí bạn khi thiết kế và xây dựng một ngôi nhà nhé.
7. Tìm nhà thầu và tạo đội nhóm chuyên gia hoàn chỉnh
Hãy tham khảo từ những người bạn biết, những người đã hài lòng với căn nhà của họ để lựa chọn nhà thầu và các chuyên gia có thể thực hiện từng khâu một, từ tư vấn thiết kế nhà, kiểm tra địa điểm, xin phép xây dựng với chính quyền, tư vấn xây nhà cũng như hoàn thiện nhà. Ngoài ra nên nhận ít nhất ba hồ sơ dự thầu và kiểm tra tài liệu tham khảo. Quan trọng nhất là chủ nhà cần có đủ kiến thức về quy trình xây nhà để có thể khắc phục sự cố xảy ra trong tương lai và không gặp vấn đề về kinh phí sau này.
Trong hầu hết các trường hợp, phần lớn chi phí xây nhà là số tiền bạn sẽ trả cho một nhà thầu, người sẽ quản lý tất cả các nhân công và nhà thầu phụ làm việc trong việc xây dựng ngôi nhà của bạn. Có một sự cân bằng tinh tế giữa việc chọn một nhà thầu có giá cả phải chăng và một người thực hiện công việc chất lượng bằng cách sử dụng vật liệu tốt. Họ sẽ đảm bảo chăm sóc và thực hiện từng công đoạn đúng thời gian cho đến khi ngôi nhà được hoàn thiện với một tiêu chuẩn làm việc có hệ thống và những nhân sự chuyên môn.
Xây nhà có vẻ là một nhiệm vụ gian khổ, và đúng là như vậy. Nhưng bằng cách lập kế hoạch dài hạn và bỏ ra một chút vốn liếng, đó có thể là điều tốt nhất bạn làm cho gia đình mình. Lập kế hoạch, lập kế hoạch, và lập kế hoạch chính là chìa khóa. Khoảng thời gian hoàn thành các bước sơ bộ để xây dựng một ngôi nhà mới có thể là một giai đoạn thú vị nhưng cũng không đơn giản. Chúng ta có thể nói đùa rằng nếu hai người có thể cùng nhau xây dựng tổ ấm thì chẳng có gì có thể làm lung lay cuộc hôn nhân của họ. Không chỉ đơn giản là chọn một ngôi nhà hiện có, việc xây dựng là một cuộc chiến không hồi kết giữa mong muốn, nhu cầu và sự thỏa hiệp. Xây dựng căn nhà của bạn sẽ cần nhiều sự dũng cảm để đảm nhận nhiệm vụ, và phần thưởng cho chúng ta sẽ vô cùng lớn đấy.